Top Ad unit 728 × 90

Best

Tài sản tham nhũng "giấu" ở nước ngoài, thu được không?

© Được Tuoi Tre cung cấp
Thế nào là “tài sản tham nhũng”?
Ông Phạm Anh Tuấn - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - nói: “Cần phải thống nhất khái niệm tài sản tham nhũng, xác định rõ là thu hồi cái gì?”.
Ông Tuấn cho biết tài sản tham nhũng là tài sản do người có chức vụ quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình mà chiếm đoạt. Ngoài ra, tài sản tham nhũng còn được hiểu là tài sản có được do nhận hối lộ hoặc là tài sản phát sinh từ hành vi tham nhũng.
Theo ông Tuấn, cần thống nhất các biện pháp cơ bản về thu hồi tài sản tham nhũng. Chính sách hình sự có hai phương án. Thứ nhất, tập trung vào xử lý, áp dụng hình phạt thật mạnh, thật nghiêm khắc để răn đe. Tuy nhiên, biện pháp này chưa được coi trọng đúng mức.
Thứ hai, tội phạm tham nhũng là tội phạm kinh tế, xâm phạm đến sở hữu nhà nước, sở hữu hợp pháp của xã hội, tổ chức, cá nhân khác. Mục đích hướng tới của tội phạm tham nhũng là tài sản, vì vậy chỉ cần tước đoạt trả về cho chủ sở hữu hợp pháp, không xử lý quá nặng.
“Nếu áp dụng hình thức thứ hai thì không đủ sức răn đe” - ông Tuấn nhận xét.
Trong các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng có nhóm biện pháp thông qua các thủ tục tố tụng tư pháp. Ngoài ra, còn có các biện pháp không thông qua tố tụng tư pháp như biện pháp hành chính, khuyến nghị.
Ông Tuấn dẫn chứng: “Một đảng viên tham nhũng nếu chưa cần thiết áp dụng các biện pháp hình sự thì có thể khuyến nghị anh ta tự giác giao nộp tài sản”.
Ông Cao Sỹ Kiêm - ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho rằng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp có 3 lý do chính. Quy định, phương pháp, nội dung và các bước làm cần thiết để thu hồi chưa rõ, chưa đầy đủ, thậm chí không phù hợp. Việc thực hiện không kiên quyết, không tập trung, việc phê phán, động viên cũng chưa kịp thời.
Quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp chưa chặt chẽ, chưa tạo tác động đồng chiều, khả năng phát hiện, kết luận không rõ ràng, trong khi đó hoạt động họp bàn, kiểm tra chưa kiên quyết, tập trung.
Ông Kiêm cho hay: “Nhiều trường hợp đã có xử lý, tội hình sự cũng có nhưng nhìn chung khả năng thực thi thu hồi tài sản tham nhũng vẫn rất hạn chế”.

Theo luật sư Phan Thanh Bình - Đoàn luật sư TP Hà Nội, quan chức nhận tiền hối lộ để mua nhà cửa, tàu xe, du thuyền thì nhà cửa, tàu xe, du thuyền chính là tài sản tham nhũng.
Tuy nhiên, bản thân việc xác định thế nào là tài sản tham nhũng vẫn rất mơ hồ. Ông Bình dẫn chứng, tình dục không nên gọi là tài sản tham nhũng, chỉ có thể gọi là hối lộ tình dục.
“Khi làm Bộ luật hình sự, có ý kiến đưa tình dục vào hành vi hối lộ vì trước đây tội hối lộ chỉ xác định là lợi ích vật chất, tiền của. Tình dục không thể gọi là tài sản tham nhũng” - ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, việc giảm nhẹ xử lý hình sự vô hình tạo tâm lý xem thường pháp luật cho người tham nhũng. Vì vậy cần tăng mức độ phạt tiền, thậm chí tăng cả hình phạt tù để tăng tính răn đe loại tội phạm tinh vi này.
Tài sản tham nhũng “giấu” ở nước ngoài vẫn thu được
“Cần ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp để có cơ sở thu hồi tài sản mà người tham nhũng đã gửi, cất giấu tại nước ngoài” - ông Tuấn nói.
Ông Cao Sỹ Kiêm phân tích: “Cái đích quan trọng là thu hồi tiền. Người vi phạm không chấp hành thì cần xử lý hình sự. Những trường hợp tài sản do người thân đứng tên phải xác minh kỹ, trường hợp gửi tiền ra nước ngoài cần phối hợp đồng bộ với nước bạn để giải quyết triệt để”.
Luật sư Phan Thanh Bình cho biết những kẻ tham nhũng thường “biến” vật chất thuộc sở hữu cá nhân thành sở hữu của vợ con nên pháp luật không thể thu hồi. Để khắc phục tình trạng bất cập này, luật sư Bình đề xuất tài sản đứng tên vợ con của người bị nghi ngờ tham nhũng nếu không chứng minh được nguồn tài sản thì cũng coi là tài sản tham nhũng và phải bị tịch thu.
“Để luật phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cần rất nhiều biện pháp khác nhau, vì thực tế việc áp dụng luật này còn nhiều bất cập. Cần đào sâu nghiên cứu kỹ hơn để tăng tính răn đe và xử lý triệt để các vụ việc” - luật sư Bình cho biết.
Chị Hồng Yến (Q.7, TP.HCM) cho rằng: “Tôi ủng hộ vì tài sản thu về có thể sử dụng cho các công trình phúc lợi xã hội hoặc đóng góp vào công quỹ”.
Theo chị Yến, nếu không làm rõ việc này sẽ gây nên tình trạng xử lý tham nhũng nhưng lại tham nhũng. Vì vậy, cần có cơ chế rõ ràng, công khai về số lượng, giá trị tài sản và mục đích sử dụng sau khi thu hồi để người dân được quyền giám sát, có niềm tin hơn về công tác phòng chống tham nhũng của Nhà nước.
Đề xuất cấm lãnh đạo gửi tiền ở nước ngoài
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu tại hội thảo về đề tài “Thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, bà Vũ Thu Hạnh (phó vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính trung ương) cho biết trong các nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, có đề xuất quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Hình ảnh chủ đề của fpm. Được tạo bởi Blogger.