Hệ thống tình báo Trung Quốc và Nhật Bản
Nhu cầu quốc an của Nhật và đảng an của Tàu
Như một ngẫu nhiên, cả hai cường quốc Đông Á là Trung Quốc và Nhật Bản đều đang củng cố hệ thống tình báo của mình. Nhưng theo mục tiêu trái ngược. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tổ chức lại hệ thống tình báo để Tập Cận Bình củng cố quyền lực và loại bỏ mọi phe phái khác. Nhật Bản thì tăng cường khả năng tình báo để bảo vệ quyền lợi quốc gia trên thế giới.
Hồ Sơ Người Việt sẽ phân tách hai chiều hướng trái ngược này.
Từ lưỡng hội...
Tuần này, Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho tổ chức hai hội nghị song hành gọi là “Lưỡng Hội.”
Một là tổ chức mệnh danh Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị, hay Chính Hiệp, cơ chế tư vấn của nhà nước mà thực chất là hệ thống kiểm soát các đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của đảng. Cầm đầu cơ chế này hiện nay là Du Chính Thanh, nhân vật đứng hàng thứ tư của Thường Vụ Bộ Chính Trị gồm có bảy người quyền lực nhất. Chính Hiệp đã khai mạc hội nghị năm nay vào Thứ Ba vừa qua.
Tổ chức kia mệnh danh là Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, hay Nhân Đại, tức là Quốc Hội, cơ quan lập pháp tối cao của quyền lực nhà nước cũng do đảng lãnh đạo. Mọi quyết định của Ban Chấp Hành Trung Ương rồi Bộ Chính Trị của đảng đều được hội nghị này đưa ra bàn thảo và ban hành để chính thức trở thành mệnh lệnh cho cả nước. Quốc Hội sẽ chính thức nhóm họp Thứ Năm này. Cầm đầu Quốc Hội hiện là Trương Đức Giang, ủy viên thứ ba của Thường Vụ, dưới Chủ Tịch Tập Cận Bình và Tổng Lý Lý Khắc Cường (thủ tướng).
Giới kinh tế thì theo dõi phát biểu của phát ngôn viên Quốc Hội, nữ đại sứ phó đánh người Mông, về nội dung và mục tiêu của nhân đại năm nay để dự đoán các quyết định của đảng. Nhưng ta cũng có thể nhân cơ hội này tìm hiểu về một bộ phận khác của guồng máy nhà nước, là Bộ An Ninh Quốc Gia, thường được gọi tắt là Bộ Quốc An, khác với Bộ Công An, là Bộ Nội Vụ của các xứ khác.
Đến Bộ Quốc An
Trong hệ thống nhà nước thì cùng thuộc Hội Đồng Chính Phủ (mà họ gọi là Quốc Vụ Viện do tổng lý là Lý Khắc Cường cầm đầu), Bộ Công An có chức năng bảo vệ trật tự và an ninh nội địa, Bộ Quốc An thì phối hợp các hoạt động tình báo và phản gián lẫn kiểm soát lý lịch các đảng viên tới cấp cao nhất. Vì vậy, Bộ Quốc An thực tế là cơ quan phụ trách tình báo đối ngoại lẫn nội an vì có thể truy tố đảng viên về các tội liên hệ đến an ninh quốc gia.
Trong tổ chức đảng thì cả hai bộ đều thuộc hệ thống quản lý của Ban Chính Pháp Trung Ương, cơ chế có thẩm quyền về cả cảnh sát, an ninh, tòa án lẫn phản gián, tình báo đối ngoại lẫn đối nội. Cho đến Đại Hội Đảng Khóa 18 vào cuối năm 2012, chủ tịch Ban Chính Pháp là nhân vật đầy thế lực Chu Vĩnh Khang, vừa bị thanh trừng và tống giam về tội tham nhũng và nhất là tiết lộ bí mật quốc gia.
Chuyện tiết lộ bí mật ấy có thể liên hệ đến Bắc Hàn khi Chu Vĩnh Khang cho lãnh tụ Bắc Hàn là Kim Chính Ân biết về vai trò “thân Tàu” của người bác là Trương Thành Trạch khiến ông ta bị thảm sát và Bắc Kinh mất luôn ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.
Qua Lưỡng hội năm nay, người ta chú ý đến sự kiện thứ trưởng Bộ Quốc An là Mã Kiến bị trục xuất khỏi chính hiệp sau khi đã có tin, ngày 16 Tháng Giêng, là bị Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật của Trung Ương Đảng điều tra.
Do Vương Kỳ Sơn cầm đầu, Ủy Ban Kiểm Tra này mới là cơ quan tối cao về kỷ luật đảng và thực tế là công cụ thanh trừng của Tập Cận Bình dưới chiêu bài diệt trừ tham nhũng.
Sau khi người cầm đầu Ủy Ban Chính Pháp là Chu Vĩnh Khang bị kỷ luật, việc thứ trưởng Bộ Quốc An lại bị điều tra làm cho những ai theo dõi nội tình Trung Quốc đều phải chú ý.
Mẻ lưới rộng lớn
Trong hệ thống nhà nước, Tập Cận Bình là Chủ tịch sau khi nắm giữ vai trò tổng bí thư của đảng và là nhân vật cầm đầu Bộ Chính Trị và Thường Vụ Bộ Chính Trị. Song song, ông cũng là chủ tịch Trung Ương Quân Ủy Hội, là hai cơ quan có cùng một tên và thành phần lãnh đạo, ở trong đảng và trong bộ máy nhà nước với chức năng bảo vệ vai trò của đảng với quân đội.
Từ khi lên lãnh đạo, Tập Cận Bình đã cùng nhân vật thân tín - cũng thuộc thái tử đảng - là Vương Kỳ Sơn mở chiến dịch thanh trừng rộng lớn.
Trong tổ chức đảng thì Chu Vĩnh Khang cùng các thuộc hạ đã bị loại bỏ. Sau đó, nhân vật thân tín và bí thư riêng của nguyên Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào là Lệnh Kế Hoạch cũng sa lưới. Cả hai đều có mạng lưới nhân lực tỏa rộng trong đảng và đều bị triệt hạ, các thuộc cấp hay phe phái gần xa đều bị thanh trừng. Trong tồ chức quân đội thì hàng loạt tướng tá đã bị lột lon, cách chức và tống giam về tội tham nhũng, như Từ Tài Hậu, Quách Bá Xương và cả chục người khác.
Bây giờ, chiến dịch thanh trừng lại tập trung vào Bộ Quốc An. Khi ấy, ta mới thấy người tiền nhiệm của Thứ Trưởng Mã Kiện đã bị lột chức từ năm ngoái, rồi tái xuất hiện và lại biến mất vì tội thừa lệnh Chu Vĩnh Khang.... dò xét nhiều ủy viên Bộ Chính Trị.
Vì chức năng khá đặc biệt của Bộ Quốc An, là tình báo, phản gián và an ninh nội bộ, lần này, chiến dịch thanh trừng có thể nêu tội danh khác với tham nhũng - mà nặng hơn nhiều. Có chuyện gì đó đang xảy ra tại Trung Quốc và chuyện tình báo xứ này lại tập trung vào nội bộ. Nhân vật cần theo dõi là đương kim Bộ Trưởng Cảnh Huệ Xương, một người thân tín của nguyên Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và chuyên gia phản gián của Trung Quốc, đã từng tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ.
Bây giờ, ta nhìn qua Nhật Bản.
Cường quốc bị bịt mắt cột tay
Trong Tháng Giêng vừa qua, thế giới chú ý đến sự kiện hai kiều dân Nhật bị tổ chức khủng bố ISIL chặt đầu trước ống kính. Khi nội vụ xảy ra, người ta thấy sự căm phẫn mà bất lực của chính quyền Shinzo Abe thuộc Đảng Tự Do Dân Chủ LDP. Nhật Bản phải vận động Jordan và Turkey trợ giúp về tình báo để có dữ kiện quyết định - mà không xong.
Chuyện ấy khiến ta liên tưởng đến vụ Tupac Amaru tại xứ Peru ở Nam Mỹ vào năm 1996.
Cuối năm đó, Phong Trào Cách Mạng Mác Xít Tupac Amaru chiếm đóng tư thất đại sứ Nhật tại thủ đô Lima trong buổi tiếp tân mừng sinh nhật thứ 63 của Nhật hoàng. Họ bắt giữ 24 con tin trong 126 ngày, kể cả Đại Sứ Morihisa Aoki. Sự việc xảy ra, ngoại trưởng Nhật liền qua Peru, khi ấy do Tổng Thống Alberto Fujimori, một người gốc Nhật lãnh đạo, và phải nghe đại sứ Canada thuyết trình về nội vụ vì thiếu tin tức về tình báo, mà cũng chẳng có bộ phận can thiệp.
Vụ bắt giữ con tin được chính quyền Fujimori giải quyết qua thương thảo rồi dứt điểm bằng một cuộc đột kích đẫm máu khiến tám đặc công của Tupac Amaru bị hạ sát tại chỗ.
Một năm sau, Nhật lại bị bẽ bàng khi Bắc Hàn bất ngờ phóng hỏa tiễn Đại Pháo Đồng Taepodong qua lãnh thổ Nhật mà tình báo và quân báo Nhật không theo dõi được đường bay. Sau vụ Taepodong vào năm 1998, Nhật mới đầu tư vào việc chế tạo vệ tinh trinh sát và lập ra cơ quan tình báo không gian bên trong Cục Thông Tin và Nghiên Cứu của Nội Các.
Tuần qua, người ta mới để ý đến một dự án của chính quyền Abe là xin thành lập một cơ quan tình báo đối ngoại. Nhật Bản có nền kinh tế đứng hạng ba trên thế giới, với quyền lợi và an ninh tỏa rộng trên toàn cầu mà vẫn bị cột tay và bịt mắt.
Lý do là sau khi thất trận năm 1945, Nhật bị Hoa Kỳ giải giới và soạn cho một bản Hiến Pháp “phi quân sự.” Theo điều chín của Hiến Pháp, Nhật không được quyền có quân đội mà chỉ có Lực Lượng Phòng Vệ JDF. An ninh đối ngoại của Nhật khi ấy được phó thác cho Hoa Kỳ để cùng tập trung vào việc phòng ngừa Liên Bang Xô Viết và Trung Quốc.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, Mỹ hết cần vai trò trọng yếu của Nhật, mà các nước láng giềng như Trung Quốc và Bắc Hàn Cộng Sản lại trở thành những mối nguy mới. Bước ra ngoài thì quyền lợi kinh tế Nhật qua các đường hải vận hay cơ sở đầu tư quốc tế cũng bị hải tặc hay khủng bố đe dọa.
Vì vậy, chính quyền Abe lặng lẽ xây dựng thực lực quân sự và tiến dần đến việc tu chính điều chín của Hiến Pháp. Đây là chuyện “tái vũ trang nước Nhật” mà nhiều nước trông đợi và Bắc Kinh báo động. Nhưng cho dù là Nhật có thể tăng cường khả năng can thiệp về quân sự để bảo vệ quyền lợi của mình, “và của đồng minh” như Thủ tướng Abe đã giải thích, Nhật vẫn bị bịt mắt vì thiếu mạng lưới tình báo.
Năm ngón tay không liền lạc
Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Nhật có cải thiện hệ thống tình báo mà vẫn có sự phân tán đầy quán tính của thời trước. Bộ máy tình báo của Nhật hiện nay gồm có năm cơ quan như năm ngón tay thiếu liền lạc của một bàn tay.
Trong Nội Các thì Cục Thông Tin và Nghiên Cứu phụ trách về tình báo không gian và đang mở tầm hoạt động ra lãnh vực khác. Bộ Ngoại Giao thì thu thập tin tức tình báo quốc tế. Trong hệ thống quân sự (của Lực lượng Phòng vệ JDF), Trung Tâm Quân Báo có chức năng thu thập dữ kiện tình báo điện tử và viễn thông. Cơ quan thứ tư, thuộc Bộ Tư Pháp là Cục Tình Báo và An Ninh, có nhiệm vụ bạo vệ an ninh công cộng bên trong lãnh thổ. Mạnh nhất vì hoạt động từ hơn nửa thế kỷ là Sở Cảnh Sát Quốc Gia, với các nhiệm vụ thực thi luật pháp, chống khủng bố và giải trừ các tội hình sự mang tính chất xuyên quốc gia, như ma túy, buôn người.
Hệ thống này có một nhược điểm là thiếu phối hợp và thường gặp trở ngại từ cơ quan có nhiều quyền thế từ đã lâu là Cảnh Sát Quốc Gia. Nhược điểm kia còn nghiêm trọng hơn vậy, là không có cơ quan thi hành các nghiệp vụ gián điệp ở nước ngoài hầu có thêm tin tức tình báo khi hữu sự. Vì các nhược điểm ấy, nơi tập trung tin tức là Nội Các chỉ có thể phản ứng chứ không chủ động hóa giải các mối đe dọa từ khi chưa manh nha.
Ngoài hồ sơ kinh tế vốn dĩ nan giải, Thủ Tướng Shinzo Abe còn phải khai thông tình trạng yếu kém đó. Trong một kỳ khác, ta sẽ tìm hiểu thêm về chuyện này.
Hùng Tâm
a
Không có nhận xét nào: