Top Ad unit 728 × 90

Best

Bà lão trúng số độc đắc chưa biết tiêu 3,4 tỷ thế nào




Những ngày qua, người dân khối phố Hồng Lư rộn ràng hẳn khi nghe tin bà Mẫn bán cá ở chợ Tam Kỳ trúng giải độc đắc với số tiền 3,4 tỉ đồng. Dù đây không phải là lần đầu tiên trúng giải đặc biệt, nhưng "lộc trời" lần này quá lớn lại đến một cách vô cùng bất ngờ khiến hai vợ chồng già chẳng biết phải sử dụng số tiền "khủng" này như thế nào...

Vận may của vợ chồng bà lão bán cá
Tìm về căn nhà cũ nát ở cuối phố Hồng Lư (P. Hòa Hương, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam), chúng tôi gặp ông Trịnh Ngọc ánh, chồng của người đàn bà may mắn. Gia đình bà Mẫn "nổi tiếng" là một trong những hộ nghèo nhất ở khu vực này. Bà Mẫn (54 tuổi) bán cá ở góc chợ Tam Kỳ, kiếm những đồng tiền lời ít ỏi để mưu sinh hàng ngày. Không chỉ vậy, bà còn là người nhân hậu, thấy những người tật nguyền đi qua bán vé số bà thường mua giúp một vài tờ, như lời bà chia sẻ: "Mình thương nhau để sống với nhau".

Bà Mẫn cho biết: "Vào sáng thứ Sáu tuần trước, bà cùng cô con dâu đi lên chợ Tam Kỳ bán cá như mọi khi. Lâu nay tôi chỉ mua một hoặc hai tờ vé số giúp người ta thôi. Nhưng không biết "bà nhập" thế nào mà sáng đó, bà bán vé số cầm bốn tờ vé số Gia Lai đi lại chỗ tôi, ép tôi mua hết cả bốn tờ. Tôi nói vui, "chơi" luôn bốn tờ chắc chiều nay trúng lấy tiền trả nợ... Bán cá xong, tôi đi ra về thì có một người thanh niên cũng bán vé số cầm hai tờ vé số nói: "Cô mua giúp con hai tờ còn lại luôn"... Thấy vậy tôi mua luôn hai tờ nữa, tất cả sáu tờ. Không ngờ trúng luôn sáu tờ, trong đó hai tờ giải độc đắc và bốn tờ giải phụ độc đắc".

Nói về chuyện có phải ông bà mua số để cầu mong ngày trúng hay không, ông ánh cười: "Chú thiệt biết đùa, mình tương thân tương ái. Có lúc bà nhà bác mua số xong để đó cả tháng trời có dò đâu". Có lẽ chính sự nhân hậu của vợ chồng ông bà bán cá đã mang lại sự may mắn cho họ, rồi cũng nhận được lộc mà theo ông ánh: "Mình ăn ở có đức, luôn nghĩ cho người khác nên bây giờ được bề trên cho lộc để sống tuổi già".

Nghe bà con hàng xóm xôn xao, kể từ khi bà Mẫn trúng số bà bỏ luôn chợ cá. Gặp ông ánh chúng tôi mới biết bà vốn mang bệnh phong thấp, hễ trái gió trở trời là bà đau ốm nằm liệt giường. Trò chuyện với chúng tôi mà đôi mắt ông cứ liếc nhìn người vợ tội nghiệp bị bệnh tật giày vò ở góc giường. Kể về cuộc sống của mình ông cho biết, gia đình ông vốn nghèo khổ từ bao đời, cái nghèo cái khổ không phải vì ham chơi nhác làm mà có lẽ vì chưa hợp thời vận. Bôn ba khắp nơi, ông bà mưu sinh, rời bỏ quê hương lên vùng kinh tế mới tại Kon Tum, nhưng rồi vùng kinh tế mới cũng không giúp được gia đình ông vượt qua cái nghèo.



Khu chợ cá Tam Kỳ, nơi bà Mẫn buôn bán.
Được tám năm thì gia đình ông lại kéo nhau về quê và nhận được sự hỗ trợ của địa phương là năm triệu đồng. Từ số tiền được hỗ trợ, ông ánh sắm cho mình chiếc xe đạp thồ để đi buôn lúa, còn bà Mẫn thì lấy một ít làm vốn mua cá rồi đi bán lại kiếm tiền lời ở khu chợ nhỏ. Dù cật lực lao động, nhưng ông bà Mẫn cũng không thể lo đủ cho sáu đứa con. Đứa phải bỏ học sớm, đứa làm thuê làm mướn, cũng may, tất cả các con ông bà đều nên người, đều được dựng vợ gả chồng, chăm lo làm ăn trong sự tự hào của đôi vợ chồng già và bà con xóm làng.

Tiếp chuyện ông ánh kể: "Thời đó gia đình tôi cũng nợ nần nhiều lắm, làm vất vả cũng chỉ đủ nuôi miệng chứ không thể tích lũy được để trả nợ. Nhưng rồi đến năm 1993, bà nhà tôi mua vé số may mắn trúng số đặc biệt là 25 triệu đồng. Chúng tôi lấy một ít đi trả nợ, còn lại 20 triệu đồng dành để xây căn nhà cấp bốn. Nhờ số tiền đó gia đình tôi thoát khỏi cảnh nợ nần và con cái cũng đã có nhà để ở". Có nhà ở, trả được nợ nhưng hai vợ chồng nghèo cũng chỉ là những tiểu thương thật thà chất phác, kiếm sống lương thiện, cuộc sống vẫn chật vật. ông kể: "Tôi chạy xe thồ mỗi khi gặp những người nghèo khổ tôi cũng lấy giá rẻ hơn".


Chợ Tam Kỳ rộn ràng kẻ bán người mua, chúng tôi tìm đến khu chợ cá của bà lão nghèo. Chị Hiền (bạn buôn với bà Mẫn) chân thành chia sẻ: "Bà ấy buôn bán ngoài chợ lâu nay được mọi người thương lắm. Tính bà hay thương người nên thường bán rẻ cho nhiều người, hay đôi khi chấp nhận lỗ vốn. Bọn tui hay nói bà thì bà cười rồi bảo: "Mình làm phước cho cháu con". Mỗi khi gặp những người khuyết tật đi bán rong ở chợ bà cũng thường mua đồ giúp họ".

Bà Hai Lành (bán bún bên cạnh) cũng lên tiếng: "Có lẽ chính vì lối sống biết cho đi ấy mà ông trời cảm thương cho bà lão hiền lành thật thà, nên phù hộ hai lần trúng số độc đắc, để ông bà được sống những ngày đầy đủ cuối đời, bù lại cho quãng đời lam lũ".

Không giữ cho riêng mình

Ngày thứ Sáu may mắn, biết mình trúng số với khoản tiền lớn, ông bà Mẫn vui mừng báo tin cho mọi người và con cháu biết để cùng chia vui. Vậy là ông không còn phải lo về khoản tiền chữa bệnh cho bà Mẫn và có thể sửa lại căn nhà đã mục nát. Chị Thanh (38 tuổi) hàng xóm vui vẻ cho biết: "ông bà ấy vui tính mà nhân hậu lắm. Nghe nói trúng số là bà làm phước cho tiền mấy người bán số rồi đặt lễ ở chùa nữa".

Cầm số tiền lớn trong tay, ông bà Mẫn không cất giữ cho riêng mình mà vẫn luôn nghĩ đến cho những người nghèo khác, ông ánh nói: "Trong xã hội này còn nhiều người nghèo lắm, mình không thể giúp họ thoát nghèo, nhưng mình có thể giúp họ được phần nào để bớt khổ. Có được số tiền lớn thế này mình phải biết chia sẻ chứ không thể giữ cho riêng mình được".



Ông Ánh trao đổi với PV.



ông Ánh trăn trở: "Tôi biết có nhiều trường hợp bố mẹ trúng được khoản tiền lớn thì con cái lại xâu xé tranh giành số. Cũng có trường hợp con cái ngược đãi bố mẹ để cướp tiền làm của riêng. Vì vậy lần trúng độc đắc này, tôi sẽ nghỉ chơi vé số luôn. Tôi đem tiền trúng độc đắc hơn 3 tỉ đồng này chia đều cho sáu đứa con. Một phần sẽ dành để sửa lại căn nhà cũ và chữa bệnh cho bà Mẫn. Số còn lại làm từ thiện cho bà con hàng xóm và cúng vào chùa để tạ ơn".

Nằm trong buồng, dù rất mệt mỏi vì bệnh tật nhưng bà Mẫn vẫn nói vọng ra: "Lão còn khỏe, lão đi bán cá nuôi gia đình, chứ không mơ màng gì chuyện hưởng phúc, hưởng lộc trời đâu chú nhà báo". Nghe vợ mình nói vậy, ông ánh gật gù cười hà hà. ông hiểu người vợ đầu gối tay ấp với mình suốt bao năm bà sẽ cố khoẻ để tiếp tục làm việc nuôi gia đình. Còn ông, chúng tôi tin rằng, với trái tim nhân hậu, đôi chân không mệt mỏi trên hành trình chở thóc, chở gạo cho bà con tiểu thương chợ Tam Kỳ, ông lại tiếp tục sửa lại nhà cho ấm áp, bớt dột mùa mưa lũ, cho bà Mẫn đi khám bệnh, cho cháu ăn học, giúp bà con nghèo bớt khổ.

Không có nhận xét nào:

Hình ảnh chủ đề của fpm. Được tạo bởi Blogger.